Print (Ctrl+P)

Giáo sư tuổi 30 sẽ không còn hiếm

Theo GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước (HĐCDGSNN), việc xem xét tài năng và hiệu quả công việc là tiêu chí hàng đầu để xét phong tặng GS, PGS sẽ làm ngày càng có nhiều ứng viên tuổi trẻ, tài cao lọt vào hàng ngũ này.

>> Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam kể chuyện

- Thưa Giáo sư, việc HĐCDGSNN quyết định công nhận nhà khoa học Bùi Thế Duy, 31 tuổi, đạt tiêu chuẩn chức danh PGS liệu có là “cú hích" cho việc trẻ hóa đội ngũ GS, PGS tại Việt Nam?

GS.TSKH Trần Văn Nhung

 

- Trên thế giới việc phong chức danh GS cho một người trẻ tuổi không hiếm, từng có người được phong chức danh GS ở tuổi 24 như Terence Tao (Đào Triết Hiên), nhà toán học Australia gốc Trung Quốc, làm việc tại Mỹ ở tuổi 28. Nhà toán học xuất sắc Việt Nam Ngô Bảo Châu cũng được phong GS ở Pháp năm 32 tuổi. Thế nhưng với Việt Nam, việc phong GS, PGS cho những nhà khoa học trẻ tuổi còn ít.

Mong muốn của chúng ta là ngày càng có nhiều người được phong GS, PGS ở tuổi trẻ nhất có thể được. Đây là đòi hỏi của thực tế vì những người trẻ sẽ có nhiều thời gian để đóng góp hơn. Hơn nữa đội ngũ GS, PGS ngày càng cao tuổi, cần phải bổ sung lớp trẻ có năng lực, tâm huyết. Đây cũng còn là yếu tố hội nhập với thế giới. Chính vì những lý do này, Nhà nước đã tạo mọi điều kiện để các ứng viên chức danh GS, PGS ngày càng trẻ được lọt vào danh dách.

- Vậy việc tạo điều kiện được thể hiện bằng những tiêu chí nào, thưa GS?

- Những tiêu chí để xét có hai loại, định lượng và định tính. Nếu chỉ chú ý đến những tiêu chí định lượng thì có thể có những người trẻ và giỏi nhưng chưa đạt được, dù họ có nhiều kết quả NCKH xuất sắc. Ví dụ có nhà khoa học rất giỏi, có nhiều công bố quốc tế song lại thiếu số giờ giảng dạy, chưa hướng dẫn đủ số học viên cao học, chưa đủ đề tài NCKH cấp cơ sở…

 

Bổ sung các nhà khoa học trẻ vào đội ngũ GS, PGS là đòi hỏi thực tế. Ảnh minh họa: Trung Kiên

Trong đợt phong năm 2009 này, một trường hợp như vậy là TS cơ học Phạm Đức Chính. Anh có nhiều công bố khoa học xuất sắc, dù thiếu một vài tiêu chí kỹ thuật nhưng vẫn được HĐCDGSNN bỏ phiếu “đặc biệt” với tín nhiệm rất cao và sẽ được Hội đồng báo cáo Thủ tướng Chính phủ để công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS. Những năm tiếp theo các Hội đồng sẽ tiếp tục xét những trường hợp đặc biệt xuất sắc tương tự.

- Với đặc thù ngành khoa học xã hội, người muốn "thành tài" cần thời gian chiêm nghiệm. Như vậy liệu có sự chênh lệch trong việc phong chức danh giữa các ngành tự nhiên, khoa học kỹ thuật với các ngành khoa học xã hội? 

 - Đúng là có điều này. Trong các ngành khoa học như toán học, vật lý học, cơ học, tin học, y học hay các ngành công nghệ, có thể có những người trẻ tuổi đã có nhiều kết quả khoa học được công bố quốc tế. Nhưng với các ngành khoa học xã hội, để có công bố quốc tế không phải đơn giản, cần có một quá trình. Do đặc thù của chuyên môn nên số người được xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS cũng khác nhau và độ tuổi cũng khác nhau. Nói như vậy không có nghĩa là sẽ có sự chênh lệch quá lớn vì với những ngành này thì những bài báo khoa học được công bố là quan trọng nhưng đối với ngành khác thì những cuốn sách chuyên khảo sâu sắc và uyên thâm lại là quan trọng. Tức là các tiêu chí đã dựa trên đặc thù của từng ngành

- Có ý kiến phàn nàn việc phong chức danh GS, PGS có “yếu tố yêu ghét”. Ông có ý kiến gì về việc này?

- Những ý kiến phàn nàn này cũng có cơ sở, song không chỉ riêng Việt Nam mà bất cứ nước nào trên thế giới cũng có hiện tượng này. Dù sao con người không phải là cái máy nên ít nhiều cũng có những chuyện yêu người này, ghét người kia. Song đây cũng chỉ là những điểm cá biệt. Tuy nhiên, để mọi việc ngày càng được minh bạch, công tâm, HĐCDGSNN chú ý chỉnh sửa các tiêu chí chọn lựa. Ngay như ở nước Nga, nước Pháp, có những nhà khoa học rất giỏi nhưng lần nào bầu làm viện sĩ cũng bị trượt.

Một thực tế cho thấy người giỏi thường hay có cá tính nên có thể không dễ “được lòng” nhiều người. Vì vậy hội đồng GS các cấp, nhất là HĐCDGSNN khi xét thấy nếu họ thực sự có tài, có đức, trung thành với Tổ quốc, thì phải công tâm, tạo mọi điều kiện để công nhận và bổ nhiêm họ  là GS, PGS. Như vậy sẽ có sự xem xét đặc biệt trong việc công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Mà đã là đặc biệt thì sẽ không thể nhiều.

- Là người trong hội đồng ngành, HĐCDGSNN, được tiếp cận tất cả các thông tin về các ứng viên, ông có suy nghĩ gì?

- Tôi thấy ngày càng có nhiều các ứng viên trẻ tuổi và xuất sắc, nhất là trong các ngành khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật và cả khoa học xã hội, nhân văn. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng vì trong tương lai gần đội ngũ GS, PGS của Việt Nam sẽ dần được trẻ hóa. Đó là đòi hỏi của đất nước và cũng là xu hướng hội nhập với khoa học thế giới.

- Xin cảm ơn Giáo sư.

Bích Ngọc (thực hiện)

Đề thi 2010 cho phép chọn một phần riêng thích hợp
Trường
Văn phòng