Trường TH Cát Linh, quận Đống Đa: Môi trường giáo dục thân thiện, hiện đại
Nét đẹp thân thiện Để học sinh đến trường thấy thoải mái, được chăm lo cả về đời sống tinh thần cũng như các sinh hoạt khác, TH Cát Linh luôn đặt lên hàng đầu việc xây dựng trường học an toàn, giữ gìn trường lớp xanh, sạch, đẹp. Trong đó, một trong những nội dung nhà trường quyết tâm thực hiện là khuôn viên trường phải sạch sẽ, gọn gàng và nhà vệ sinh phải sạch sẽ, thân thiện, giúp cho học sinh học 2 buổi trên ngày có thể sinh hoạt ở trường như ở nhà. Trong điều kiện hiện nay, khi nhiều nhà trường còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất khiến nhà vệ sinh học đường còn là trở ngại với học sinh khi đến trường thì ở TH Cát Linh, hạng mục này đã được giải quyết một cách triệt để, xóa đi sự e ngại của học sinh, mang lại sự yên tâm cho các bậc cha mẹ học sinh khi gửi con theo học. Đặc biệt, trong năm học 2011-2012, trường đã mạnh dạn đầu tư, tiếp tục duy trì và bảo dưỡng khu nhà vệ sinh. Không chỉ trang bị đầy đủ thiết bị, nhà trường còn bố trí lao công chuyên trách đảm bảo sự sạch sẽ, khô ráo cho khu vực này. Cũng trong năm học 2011-2012, quận đã đầu tư cho trường sửa chữa lại sân trường, sơn cửa và quét vôi lại toàn bộ khu phòng học, trồng thêm các bồn hoa và cây bóng mát, sửa chữa lại phòng thư viện, mua thêm các tủ đồ dùng cho các khối lớp, tu sửa lại nền phòng học, hành lang, sân trường, cửa kính…, đảm bảo ngôi trường tuyệt đối an toàn và thân thiện cho học sinh trong học tập và sinh hoạt tại trường. Không chỉ thân thiện ở cảnh quan mà TH Cát Linh còn tạo dựng sự thân thiện từ chính những giao tiếp hàng ngày giữa nhà trường với phụ huynh, giữa giáo viên với giáo viên, giáo viên với học sinh…Theo thầy Hợp: Sự thân thiện trong ứng xử, trao đổi công việc, những băn khoăn, thắc mắc giúp cho không khí làm việc cởi mở, hiệu quả hơn. Ban giám hiệu phát huy tính dân chủ, lắng nghe, giáo viên phát huy khả năng lao động sáng tạo, học sinh được giãi bày những suy nghĩ của mình, rút ngắn khoảng cách thày- trò, tạo không khí thực sự thân thiện trong nhà trường. Sự thân thiện này cũng tạo nên nền nếp trong dạy và học, mỗi CBGV đều phát huy hết tiềm năng, trách nhiệm của mình trong công việc, giúp cho hoạt động giáo dục, đào tạo đi vào chiều sâu, thực chất và cùng nhau phát triển. Công nghệ thông tin đồng hành với nhà trường Được biết đến như một trong những nhà giáo đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động quản lý, giảng dạy trong nhà trường, có thể nói quãng thời gian thầy Đỗ Quang Hợp về công tác tại trường TH Cát Linh là thời điểm ghi dấu những cách làm đổi mới, sáng tạo và hiệu quả của một nhà quản lý không bao giờ hài lòng với chính mình. Thầy Hợp nhớ lại: Năm 1998, khi tôi được điều về làm hiệu trưởng trường TH Cát Linh, trường lớp đã ổn định, duy chỉ có thiết bị, đồ dùng dạy học còn thiếu thốn và đặc biệt là trường hoàn toàn “trắng” về CNTT. Cả trường chưa có chiếc máy vi tính nào và CBGV trong trường không mấy “mặn mà” với lĩnh vực này. Khó khăn lắm tôi mới thuyết phục được Ban giám hiệu mua về một chiếc máy vi tính. Vừa học, vừa làm, tôi từng bước khai thác CNTT vào công tác quản lý. Tôi kiên trì làm cuộc cách mạng trong vận động CBGV nhà trường thay đổi nhận thức về CNTT. “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần trường đã bố trí được một phòng vi tính có 16 máy để đưa vào giảng dạy môn Tin học cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 5. Khỏi phải nói, phụ huynh học sinh và các em học sinh đã phấn khởi thế nào trước sự kiện mới lạ này của nhà trường. Không chỉ Ban giám hiệu mà cán bộ giáo viên trong trường cũng đã bị “lực hút” của CNTT. Sức lao động bỏ ra ít hơn, hiệu quả, kế hoạch làm việc nhanh hơn, chính xác hơn đã khiến không còn ai nghĩ rằng CNTT không cần thiết trong nhà trường. Do nhu cầu sử dụng ngày càng lớn, năm 2000, trường đã nâng cấp phòng vi tính với 25 máy để đưa vào giảng dạy. Năm 2001, trong Hội thi đồ dùng dạy học của quận Đống Đa, Cát Linh xuất hiện không phải với các mô hình, đồ dùng dạy học thủ công mà là bằng phần mềm dạy học môn Toán tiểu học. “Chuyện lạ” này lập tức thu hút được sự quan tâm của tất cả các trường và Sở GD&ĐT Hà Nội. Sau sự kiện “đột phá” của Cát Linh, một phong trào đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giảng dạy đã được phát động ra các trường học trong toàn quận Đống Đa. Thầy Hợp cho biết: Thấy việc làm của trường được đồng nghiệp đón nhận, ngành GD quan tâm, chúng tôi thấy rất mừng và tự nhủ phải làm tốt hơn nữa, chuyên nghiệp hơn nữa để có thể tận dụng và khai thác được hết các thế mạnh về CNTT trong nhà trường. Chính bởi vậy, tháng 3/2001, website www.catlinhschool.edu.vn đã chính thức ra đời. Với sự hỗ trợ của Trung tâm mạng Bộ GD&ĐT, trang web trở nên hoàn hảo với nội dung khá phong phú và thiết thực, cung cấp những thống kê về chất lượng dạy và học, điểm kiểm tra định kỳ của học sinh; Giới thiệu những giáo án điện tử , sáng kiến kinh nghiệm tiêu biểu của giáo viên, những bài văn hay của học sinh; Trao đổi về việc đổi mới phương pháp giáo dục…Từ khi có trang web, sự trao đổi và liên lạc giữa giáo viên, phụ huynh, học sinh cũng tiện lợi, dễ dàng, cởi mở và thường xuyên hơn. Nhiều trường học không chỉ của Hà Nội mà trên khắp cả nước đã tìm đến TH Cát Linh để học tập cách làm độc đáo và hiệu quả này. Hoạt động liên tục được hơn 10 năm, trang web với sự đổi mới, cập nhật kịp thời các thông tin cần thiết đã thu hút hơn một chục triệu lượt người ghé thăm. Bên cạnh việc đầu tư cho trang web, Ban giám hiệu nhà trường còn xây dựng phòng học bộ môn với các phương tiện hiện đại như máy tính được nối mạng Internet và mạng LAN, máy chiếu Projector, tivi, đầu đĩa, camera 3D…Hiện nay, 100% giáo viên trong trường biết sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản và khai thác thông tin trên mạng, phần lớn giáo viên biết sử dụng phần mềm Powerpoint để soạn giáo án, 100% giáo viên biết sử dụng Camera 3D, máy chiếu hắt…để phục vụ đổi mới dạy học. 5 năm liền có GVDG đạt giải cao cấp TP và Quốc gia, nhiều giải A, B Thành phố về phần mềm dạy học, liên tục là Tập thể lao động xuất sắc, được Chính phủ, Bộ GD&ĐT, UBND Thành phố Hà Nội…tặng bằng khen. Những thành tích đáng tự hào đó đã minh chứng rõ nét cho hướng đi bền vững và hiện đại của thầy, trò trường TH Cát Linh trong chặng đường gần 20 năm bền bỉ với sự nghiệp “trồng người” Giang Nguyễn Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 29+30, tháng 5,6/2012 |